LUÂN HỒI

Luân  Hồi

 

A. Đại Cương
I. Căn Bản Tinh Thần
II. Luật Tái Sinh trong Bối Cảnh Rộng Lớn
III. Mục Đích
IV. Ý Nghĩa
B. Cơ Chế
I. Yếu Tố Ảnh Hưởng
II. Thời Gian giữa Hai Kiếp Sống
Để theo dõi sát ý của bài, bạn cần đọc thêm hai chuyện sau có đăng trên trang web PST:
Vòng Tái Sinh (H.K. Challoner)
Hành Trình Một Linh Hồn (Peter Richelieu)

A. Đại Cương
Luật Luân Hồi hay Tái Sinh được nói tới nhiều ở đông phương và có nhiều người theo, luật không phải chỉ được dạy riêng trong Phật giáo mà thật ra, Ấn giáo đã đề cập tới luật từ lâu trước Phật giáo, cũng như hiểu biết ấy đã có trong giống dân xưa ở tây phương như người Druids, người xứ Galles, và được các giáo sĩ ban đầu của Thiên Chúa giáo chấp nhận (Clement, Origen). Đã có nhiều sách viết về luật, và cũng có nhiều quan niệm sai lầm được đưa ra khiến tinh thần duy lý của tây phương bác bỏ luật.
Để có cái nhìn đúng đắn, ta cần trình bầy luật dựa trên cản bản tinh thần, đặt trong bối cảnh rộng lớn mà nó tác động.

I. Căn Bản Tinh Thần
Nguyên nhân của sai lầm khi bàn về luật tái sinh  là do ta đứng trên vị trí cái tôi mà nhìn sự việc thay vì con người thiêng liêng, xem xét vấn đề dưới góc cạnh hình thể vật chất mà không phải là sự sống vĩnh cửu.
Con người vốn thiêng liêng và cùng bản chất với Thượng Đế, những đặc tính của Thượng Đế có sẵn và tiềm ẩn trong con người mà để biểu lộ, linh hồn chọn cách tái sinh nhiều lần hầu thu thập kinh nghiệm, như vậy không phải chính xác thân vật chất này trở lại, mà là phần tinh thần, linh hồn bất diệt bên trong. Mỗi lần đầu thai, linh hồn từ cõi cao đi xuống khoác lấy ba thể xác, tình cảm và trí để hoạt động trong ba cõi vật chất, tình cảm và trí tuệ. Khi bài học đã xong, công việc đã trọn ở ba cõi, linh hồn chấm dứt một kiếp sống và trở vể ngơi nghỉ ở cõi Devachan, chờ ngày giờ trở lại để tiếp tục học hỏi và phát triển. Trên bình diện nhỏ sự việc không khác gì một ngày trong đời người. Ban sáng ta ấn định một số công việc phải thực hiện và khi hoàn tất, ta ngủ ban tối để ngày mai bắt đầu một chương trình mới; mỗi ngày được lập lại nhưng không giống nhau, và nhằm đưa ta đến mục tiêu đã vạch.
Có nhiều cách để nói lên ý linh hồn bất diệt qua bao kiếp và đóng vai chính, còn các thể trong mỗi kiếp là phụ. Hoặc cuộc đời được coi như là sân khấu và diễn viên là linh hồn bất tử, các vai họ đóng là những kiếp trải qua. Vở kịch tháng sau có thể khác vở kịch tháng trước và diễn viên thủ vai khác nhau, nhưng khi bạ màn thì vẫn chỉ có một diễn viên thoát ra từ hai y trang của hai vai trò ấy. Hoặc ta còn có thể xem cuộc đời như trường học, suốt năm học sinh ngồi ở lớp một và qua năm sau lên lớp hai. Ý này chính xác hơn vì tái sinh chỉ được hiểu đúng đắn khi đi kèm với luật tiến hóa, bằng không ý nghĩa của luật mất đi rất nhiều nếu cho rằng con người thiêng liêng trở đi trở lại mãi ở cõi trần mà không có mục đích nào khác ngoài việc tạo và trả quả. Mục đíchcủa con người thật là tiến hóa, trở nên ‘trọn lành như Thượng Đế trên cao’, và nó dùng luật tái sinh  để thực hiện mục đích ấy.
Bởi có nhiều bài học phải thấu triệt, mỗi kiếp con người tìm cách đặt để mình vào hoàn cảnh thích hợp nhằm học điều cần học, nên luật Luân Hồi còn nên được gọi là luật Cơ Hội. Tên ấy gợi nên ý tích cực, tư tưởng mới mẻ rằng trong mỗi kiếp, con người đóng vai chủ động và tiến lên một vị trí tiến hóa mới, một ý mà vài sách khi bàn về luật đã không nói kỹ.
Chuyện đáng ghi là hầu hết sách viết về luân hồi thường nhấn mạnh đến khía cạnh vật chất và hiện tượng, dù luôn luôn có nói sơ qua về những gì gặt hái được về mặt tinh thần và trí tuệ trong mỗi kiếp. Bản chất thực sự của cái tâm thức đang khai mở và sự tăng trưởng của nội tâm con người thật ít khi được lưu ý. Cũng ít khi hay gần như không cóviệc bàn tới sự cải thiện của cơ chế tiếp xúc trong mỗi kiếp, cho kết quả là mỗi kiếp con người có xác thân thích ứng hơn, cơ thể được hoàn bị với não bộ tinh vi hơn và nhờ thế, gia tăng tính nhậy cảm với môi trường bên ngoài. Nó hàm ý dấu hiệu của người tiến hóa là mức thông cảm với ngoại giới và kẻ khác càng ngày càng nhiều, khả năng nhận xét  của họ bén nhậy hơn để hiểu sự việc, mà cái tâm cũng rộng rãi hơn, bớt phán xét. Thực vậy, vào cuối đời có hai đặc tính ta có thể dùng để tự xét đã học hỏi đúng mức chăng trong cuộc đời sắp xong, ấy là lòng khoan dung và tình thương. Sự thiếu sót hay gia tăng hai tính ấy lúc về già cho thấy ngay một ai đã thu thập hay chưa bài học của đời. Vì càng hiểu biết sự sống, người ta càng phản ứng đúng cách là thương yêu và khoan dung nhiều hơn.
Cũng trong những sách viết về tái sinh, chi tiết về lối sống, điều kiệnvật chất, nhà cửa, quần áo và mối tương quan với người khác được trình bầy thêm thắt, và nhớ lại quá khứ thường là gợi lại những giờ phút gây cấn, thổi phồng đặc biệt cái phàm nhân kiếp ấy lẫn tính kiêu ngạo củanó.
Có vài yếu tố khiến cho chuyện luân hồi được trình bầy như vậy.
– Trước tiên là ảo ảnh vẫn còn chi phối con người mạnh mẽ, ngay cả người đã hiểu biết trong nhân loại.
– Kế đó, người viết hay kể chuyện đang ở mức tiến hóa chưa cho phép họ nhìn chu  kỳ của sự sống, theo quan điểm của linh hồn thản nhiên không vướng bận, u mê. Bởi nếu được vậy, sự mô tả các hiện tượng vật chất đã được bỏ qua, hay không chú ý đến mà chỉ những giá trị tinh thần và trí tuệ, cùng những gì có liên quan đến sự sống bên trong của nhóm (ta sẽ nói thêm) mới được nhấn mạnh như trong chuyện Vòng Tái Sinh.

II. Luật Tái Sinh trong Bối Cảnh Rộng Lớn

Luật tái sinh chỉ được hiểu đúng đắn khi ta đặt nó vào bên cạnh những luật Tiến Hóa, Nhân Quả và Thu hút - Xô đẩy. Đặc biệt, luật luân hồi và nhân quả đi đôi với nhau không thể tách rời, nên ta dành một bài riêng để nói về luật nhân quả.
Luật luân hồi nằm  trong luật tiến hóa, do đó nói rằng con người có thể tái sinh làm con vật là không đúng, vì như thế đi ngược với đường tiến hóa. Khi đạt tới mức làm người, linh hồn đã vượt qua một chặng đường tách biệt hẳn với loài vật, không cần trở lại để thu thập kinh nghiệm đã biết. Tuy nhiên sự sa đọa có thể thấp đến mức thần thức con người tạm thời bị lôi cuốn vào con vật, vướng bận ở đó một khoảng thời gian. Theo tác giả Alexandra David Neil, người Tây Tạng kể rằng xưa kia có một vị cao tăng đi vân du, một hôm ông ngồi nghỉ ở bờ giếng ngoài làng. Khi ấy có thiếu nữ ra gánh nước. Thấy cô, không nói không rằng vị tăng nhẩy đến toan cưỡng hiếp. Cô gái chống cự, thoát chạy về nhà kể cho mẹ sự việc. Bà hỏi lại diện mạo vị tăng và sau khi suy nghĩ kỹ, gọi con bảo rằng:
– Con hãy ra bờ giếng xin lỗi và làm y như lời ngài dạy. Đó là bậc cao tăng đức độ vang lừng khắp nước, ngài làm vậy ắt phải có lý do.
Thiếu nữ vâng lời. Nghe cô thưa, vị sư già ung dung đáp:
– Con ơi, hàng phụ nữ không phải là sở thích của ta. Mới đây vị sư chùa làng trên viên tịch, bởi tánh giải đãi ưa điều sắc dục hơn là tu hành lúc còn sống, linh hồn ông khi chết phải thác sinh vào chỗ thấp. Vừa rồi linh hồn vị ấy đi ngang, động lòng thương ta định cưỡng bức con để cứu ông khỏi đọa, nhưng nghiệp lực quá mạnh khiến con vuột khỏi tay ta, cùng lúc ấy con bò cái ngoài ruộng hạ sinh, linh hồn vị tăng đã nhập vào con bê con ấy. Tội thay, tội thay !
Một chuyện khác cũng mang ý nghĩa là có hai vị tăng vốn là bạn thiết của nhau. Nghe tin bạn qua đời, vị kia lại chùa viếng. ông dùng phép thần thông kiếm hết mấy tầng trời mà không gặp, ông quay sang những tầng địa ngục cũng chẳng thấy tăm hơi. Ngạc nhiên, ông suy nghĩ hồi lâu rồi cho gọi đệ tử hỏi:
– Bình sinh thầy con có ưa thích điều gì lắm không ?
– Dạ có, thầy con rất ưa mật mía.
Vị tăng quan sát và quả nhiên trong đám mía sau chùa, ông thấy thần thức của bạn đã nhập vào con sâu đang thưởng thức chất đường trong ruột mía.
Có lẽ không cần thắc mắc về tính cách xác thực của hai chuyện, mà chỉ nên coi đó như là gợi ý thêm về cơ chế tái sinh.
Luật tái sinh không những chỉ áp dụng cho người mà cho cả những loài thấp hơn, hay cho cả một hệ tiến hóa, một vũ trụ. Khi ấy ta thấy rõ luật là một thành phần của luật Chu Kỳ. Nếu có lúc con người biểu lộ ở cõi thấp, hoạt động học hỏi và có lúc rút về ngơi nghỉ ở cõi cao, thì một hành tinh cũng có lúc biểu lộ và có lúc tan biến. Sự việc không khác với thái dương hệ. Thái dương hệ được sinh ra, hoạt động rồi tàn lụi. Hằng ngày trong vũ trụ có vô số những ngôi sao là mặt trời của thái dương hệ tương lai được tạo ra, hoặc đang trên đường hủy diệt.
Vậy muốn xét luật luân hồi ta phải đề cập tới các luật trên, theo đó hai luật chu kỳ và tái sinh là những luật phụ của luật thu hút - xô đẩy.  Sự tiến hóa theo chu kỳ hoàn toàn là kết quả của hoạt độngvật chất và ý chí hay tinh thần, nó được sinh ra do tác động hỗ tương củavật chất náo động và tinh thần tạo hình thể. Mỗi hình thể mang một sự sống, mỗi sự sống không ngừng đi tìm những sự sống khác cũng đang chìm sâu trong hình thể, để hòa hợp.
Theo Minh Triết Thiêng Liêng (MTTL = Theosophy, Thông Thiên Học), sự sống biểu lộ bằng âm thanh (Ngôi Lời), mọi sự sống và hình thể có nốt riêng với những đặc tính tương ứng với trình độ tiến hóa của chúng lúc bấy giờ.
–  Khi các nốt của tinh thần và vật chất vang lên giống nhau thì sự tiến hóa thành tựu.
–  Khi các nốt của tinh thần vang mạnh hơn cái nốt vật chất và hình thể, ta có tinh thần đẩy lui vật chất.
– Còn khi các nốt của vật chất mạnh hơn, ta có sự thu hút giữa các hình thể.
Và đó là căn bản cho sự việc xẩy ra trong cuộc tiến hóa và trong những cảnh đời. Chúng có thể được mô tả như sau:
– Giai đoạn mà nốt của hình thể ưu thắng là con đường đi xuống.
– Giai đoạn mà tinh thần đẩy lui hình thể: ta có sự tranh chấp ở ba cõi.
– Giai đoạn tinh thần thu hút tinh thần, kế đó là việc rút lui dần khỏi ảnh hưởng của thế giới vật chất, con người tiến vào đường Đạo.
– Giai đoạn ưu thắng của cái nốt tinh thần, sự tiến hóa ở các cõi trên.
Sự đồng nhịp hay lỗi nhịp của cái nốt là nguyên do của tất cả những gì xẩy ra trong đời. Ban đầu ta có nốt căn bản của vật chất. Kế đó nốt của tinh thần cất lên dần dần lấn át nốt thấp cho đến khi chế ngự tất cả những nốt khác. Tuy nhiên ta nên nhớ rằng chính cái nốt của mặt trời giữ cho các hành tinh nằm trong thái dương hệ. Với một sự biểu lộ, những nốt vang lên mãi cho đến khi có sự đồng nhịp, hòa điệu với nhau, công việc xong thì sự sống bắt đầu rút lui khỏi hình thể, cho ra sự tan rã của cái sau. Cứ như thế sự tiến hóa đi theo chu kỳ. Ở con người, ta giữ cho ba thể liền lạc qua cái nốt của mình. Có thể nói tổng quát rằng luật hấp dẫn biểu lộ quyền năng của tinh thần, còn luật xô đẩy quản trị hình thể.
– Khuynh hướng của hình thể vật chất là xô đẩy, gây chia rẽ.
– Khuynh hướng của tinh thần là hòa hợp với tinh thần trong một chu kỳ lớn.
– Trong chu kỳ nhỏ, tinh thần tạm thời thu hút hình thể.
Trong cuộc tiến hóa khi yếu tố thứ ba là Trí Tuệ can dự và mục tiêu là sự quân bình, thì ta thấy sự biểu lộ có chu kỳ của hình thể và tinh thần, với kết quả là sự thể hiện nhịp nhàng có trật tự của hành tinh, con người và những loài khác. Do sự lập đi lập lại mà trên đường đi xuống, tâm thức phát triển và khả năng này đạt tới mức thành một phần của con người tinh thần, nó phải được sử dụng trên mọi cõi, và hoạt động lại đi theo chu kỳ, do đó phương pháp tái sinh được ứng dụng. Khi cái tâm thức bên trong  đã hòa hợp thành một phần của Thượng Đế ở mọi cõi trong thái dương hệ, chỉ lúc đó sự tiến hóa theo chu kỳ mới ngưng lại ở cảnh giới thấp và bắt đầu ở cảnh giới cao hơn trong vũ trụ.
Từ đây ta thấy rằng sự tiến hóa theo chu kỳ không thể nào tách biệt với ý niệm về tâm thức. Vật chất biểu lộ hay mất đi theo một nhịp, và sinh, tử, tái sinh cũng bị quản trị bởi nhịp. Chẳng riêng gì con người mà cả một giống dân cũng tái sinh, lấy thí dụ giống dân Hy Lạp xưa với khuynh hướng chuộng sự mỹ lệ, triết lý đã tái sinh vào nước Pháp, và giống dân La Mã với óc quản trị hành chánh, đặt luật lệ đã sinh vào nước Anh, cho ra đặc tính nổi bật của hai quốc gia này.
Luật tái sinh hoạt động theo chu kỳ vì vậy là căn bản của mọi hiện tượng và sự biểu lộ. Nó là cái nhịp của sự sống trong vũ trụ, là cái hít vào thở ra trongtiến trình biểu lộ của sự sống thiêng liêng.

III. Mục Đích
Giới hạn sự tìm hiểu của chúng ta vào nhân loại, mục đích xa của việc tái sinh là để con người học hỏi, trở nên trọn lành như Thượng Đế, còn mục đích gần là tạo hình thể ngày càng hoàn hảo, và mở rộng tâm thức. Đi vào chi tiết một chút, người trung bình tái sinh và cố gắng thực hiện trong mỗi kiếp:
–  Sự phát triển tâm thức, hay gợi dậy cái khả năng thức tỉnh, đáp ứng với thế giới bên ngoài.
– Đạt thêm một phần khả năng trường cửu, hay mở mang thêm thiên tính, điều không hư hoại.
– Sinh ra một số nguyên nhân mới cho những hậu quả không thể tránh được.
Khi con người tiến hóa, bước vào đường Đạo, họ tái sinh với mục đích khác hơn một chút.
– Như khi trước, tâm thức anh mở rộng nhưng anh bắt đầu làm việc một cách thông minh từ trên cao, tức đứng trên quan điểm tinh thần và không còn làm việc mù quáng ở những cõi thấp, hay nhìn sự việc theo quan điểm vật chất.
– Chấm dứt việc tạo nhân quả trong ba cõi và khởi sự quân bình chúng, thu xếp những gì còn ràng buộc anh vào ba cõi.

Ta sẽ đi vào chi tiết và những ngoại lệ ở sau.

IV. Ý Nghĩa
Sự nhấn mạnh quá đáng vào một phái tính và những ngộ nhận đi kèm sẽ không còn nữa khi ta biết rằng linh hồn không có phái tính, mà phái tính chỉ có khi linh hồn khoác lấy hình thể. Nhằm mục đích thí nghiệm, gặt hái những kinh nghiệm khác nhau mà linh hồncó lúc chọn thể xác nam, có lúc nữ để hiểu biết trọn vẹn những khía cạnh âm dương của sự sống. nhìn theo cách ấy, không một phái nào chịu hoàn toàn phần lỗi, mà tất cả nhân loại đều đã góp phần tạo nên tình trạng hiện thời, cũng như ai cũng phải đồng đều nỗ lực trong việc chấn chỉnh, cải thiện, làm tình trạng được tốt lành hơn. Khi nhận xét rằng phái nam lạm dụng thân xác phái nữ, ta cần hiều không phải chỉ riêng nam giới đã sinh ra việc ấy, bởi mỗi linh hồn đã tái sinh làm người nam hay nữ hoặc trong kiếp qua, hoặc kiếp tới, và do đó chia sẻ trách nhiệm.
Theo luật tái sinh, mỗi kiếp sống không phải chỉ là sự thu góp trở lại kinh nghiệm trong dời, mà còn là việc nhận lãnh những ràng buộc từ xưa, làm sống lại mối liên hệ ngày trước, có cơ hội để trả nợ cũ, dịp may để tiến lên, gợi dây những tư chất bị chôn vùi sâu, tái ngộ bạn cũ lẫn cựu thù, là giái đáp cho lắm bất công nhức nhối, và giải thích những điều kiện làm con người thành cái họ là ngày nay. Đó là cái luật đang rất cần được nhìn nhận khắp nơi, và người biết suy nghĩ hiểu ra, sẽ hóa giải nhiều vấn đề hệ trọng.
Được như vậy là bởi khi coi luật như là một nguyên lý thông minh quản trị, mỗi người sẽ sống cẩn thận hơn, và sẽ để ý làm tròn bổn phận đối với gia đình và tập đoàn. Họ biết rõ là ‘con người gặt cái đã gieo’, gặp nó ở cõi trần này và ngay bây giờ mà không cần chờ một thiên đàng hay địa ngục bí ẩn xa xôi. Con người sẽ cố gắng điều chỉnh mỗi ngày đời sống của mình trên trái đất, nơi có thể thành thiên đàng đúng nghĩa hay tệ hơn bất cứ địa ngục nào.
Việc quảng bá thuyết luân hồi, sự trình bầy có tính khoa học dựa trên lý luận chứng  minh là điều rất nên làm, vì nó cho con người nhìn sâu hơn vào sự sống, khi dạy rằng cuộc đời này không phải là cơ hội duy nhất để phát triển khả năng và đạt sự toàn thiện. Khi chấp nhận luật, nó sẽ thành một tác nhân giải tỏa trong lúc có biến cố lớn trong đời hay xáo trộn tâm lý. Cái ý thức là còn cơ hội trong tương lai, con đường dài trước mặt, sẽ làm dịu tâm hồn và có lợi cho nhiều người. Nó có giá trị soi sáng khi con người hiểu rằng trong quá khứ họ đã từng trải qua những biến cố lớn lao, vượt qua được chúng để tới vị trí hôm nay, và với biến cố xẩy ra hiện giờ, khó khăn đối mặt, họ cũng rất có thể chiến thắng.
Ánh sáng mà luật soi tỏ vào các mối liên hệ, vào hoàn cảnh sống sẽ khiến con người cố ổn định mục tiêu trong đời, làm anh hiểu việc không thể trốn thoát trách nhiệm. Khi luật được thấu hiểu đúng đắn mà không phải diễn giải theo cách sai lạc ngây ngô hiện giờ, con người sẽ gánh vác trách nhiệm hằng ngày với ý thức về chuyện quá khứ, hiểu biết mục tiêu của hiện tại và hướng về tương lại. Hiểu biết luật cũng làm giảm bớt đáng kể khuynh hướng tự tử trong nhân loại. Việc thiết thực là với khoa tâm lý hiện thời, sự hiểu biết và nhìn nhận luật tái sinh sẽ rất hữu ích, vì nó thêm yếu tố thời gian vào cuộc sống, giải thích sự khiếm khuyết về mặt tình cảm, trí tuệ hay thân xác và trên hết thẩy, mang lại hy vọng, ý tưởng có thể thành đạt và thực hiện ước vọng sau cùng.
Đây cũng là dịp để chữa lại vài sai lầm trong thần học. Chúng ta nên phân biệt giữa lời dạy của đức Chúa và thần học, tín điều của giáo hội Thiên Chúa giáo, bởi có khác biệt sâu xa giữa hay ý. Tín điều cho rằng con người chỉ có một kiếp sống và căn cứ trên những điều đã làm ở kiếp sống này mà con người đi vào thiên đàng vĩnh cửu hay hỏa ngục đời đời. Phân tích ra,
– Người chủ trương như vậy không nhìn nhận có quá khứ vì không chấp nhận tiền kiếp, mà lại tin vào một tương lai vô tận.
– Nhìn kỹ, khi đời sống ở thiên đàng hay địa ngục  (nếu có) tương ứng với cái nhân đã tạo, thì đương nhiên có một giới hạn cho khoảng thời gian ở hai nơi trên. Mỗi hành động hay tư tưởng đều chỉ sử dụng lượng năng lực nhất định và do đó giới hạn, vậy kết quả hợp lý sinh ra cũng phải bị giới hạn; đổ một lít xăng vào xe, xe chỉ có thể chạy vài cây số mà không thể chạy mãi mãi, thì cái nhân tốt hay xấu có thể mang lại cho con người một thời gian hạnh phúc hay không vui, nhưng sau thời gian đó ta phải trở lại cõi trần để tiếp tục học hỏi, không thể ở mãi thiên đàng hay địa ngục. Hành động giới hạn không thể cho ra kết quả vô hạn trong tương lai, hoặc phần thưởng (thiên đàng) vô tận, hoặc trừng phạt (địa ngục) vô tận.
Hiểu biết về luật tái sinh có giá trị thực tiễn ít nhất hai điều:
–  Thân xác của kiếp tới tùy thuộc vào thể xác kiếp này, ít ra là một phần. Sự lạm dụng hay chăm sóc thể xác cho ra kết quả trở lại, thế nên con người cần cẩn trọng hơn trong việc nuôi dưỡng và sử dụng nó.
– Ta nhìn tuổi già và sự chết với quan niệm khác hẳn, nó không còn mang ý nghĩa bất lực, chẳng còn thực hiện đượcviệc chi, mà có thể được xem là giai đoạn chuẩn bị cho kiếp sống tới. Thực vậy, có những thí dụ cho thấy nhiều việc làm ở cuối đời đã giúp cho kiếp sống mới bắt đầu tốt đẹp, như Charles và Nathaniel trong chương Anh của chuyện Vòng Tái Sinh (đăng trên trang web PST). Bằng cách ấy ta đạt tới một trong những mục đích của luân hồi là học chế ngự và sử dụng hình thể đúng đắn, không để cho nó chi phối tinh thần qua bệnh tật như trường hợp Charles.
Khuynh hướng chuộng tuổi trẻ và sợ hãi tuổi già của xã hội ngày nay, làm con người chống đối lại việc chỉ là điều phải tới theo tiến trình tự nhiên. Hiểu biết luật Trời cho tâm hồn được bình an, người ta không còn cưỡng lại sự bất lực, đau yếu do tuổi già mang đến, tuy rằng đó là phản ứng dễ hiểu. Thay vào đó, người ta nên học cách đón nhận bước đường tới một cách bình thản, vui vẻ.
Việc chú trọng quá đáng vào khía cạnh hình thể, thân xác lúc tuổi già đến có thể gây trở ngại cho sự rút lui củalinh hồn, khiến việc duy trì sự sống của thân xác thành ưu tiên bậc nhất. Ngày giờ con người rút lui khỏi cõi trần đã được karma đặt để, nó ấn định việc tách rời con người thật với xác thân, nhưng nếu thể xác được chăm chút quá độ, nó có thể thành nhà tù giam cầm con người thật, đi ngược với karma và gây cảnh ngộ đáng tiếc (xin đọc bài Karma).
Tuổi già với kinh nghiệm cho ta cơ hội nhìn lại cuộc đời và nhận xét sự việc sáng suốt hơn, tuy nhiên ý nghĩa mọi việc chỉ được nắm trọn khi ta nhìn theo quan điểm của Chân nhân, tinh thần thay vì vật chất và hình thể. Làm được vậy, khi tái sinh con người sẽ mang theo óc tỉnh thức rõ ràng về mình sớm sủa trong đời.
Trong giai đoạn cuối đời khi sức lực suy kém, người ta có thể hỏi mình còn làm được gì. Mà còn bao chuyện làm được khi ấy; một điều mà ai cũng có thể làm là yêu nhiều hơn, yêu sáng suốt, không vị kỷ. Đó cũng là cách chuẩn bị đẹp đẽ, khôn ngoan cho tương lai. Hiểu biết tính trường cửu của đời sống khiến con người nhận ra những giá trị chân thật cùng điều sai lầm, và có viễn ảnh đúng đắn.
Sau hết, đối với những cố gắng đã thực hiện được mà chưa mang lại kết quả, tái sinh cho ta thấy không một chuyện gì mất đi, việc chi đã khơi dậy sẽ được mang tiếp sang kiếp tới, bởi con người gặt cái đã gieo và luật Trời tuy chậm, có tác dụng biến ảo so với tâm thức người nhưng không hề sai chạy. Ý nghĩa tốt lành của luật tái sinh nằm gọn trong tên khác mà ta đã nói phớt qua là luật Cơ Hội, cơ hội để hoàn chỉnh lại cái đã làm sai do vô mình, để cho mỗi kiếp con người có một thể xác tiến hóa hơn, đáp ứng nhiều hơn, thanh nhẹ hơn và rung động ở mức khá hơn trước.

B. Cơ Chế
I. Yếu Tố Ảnh Hưởng
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng việc chọn lựa nơi chốn, ngày giờ tái sinh.
1. Karma
Nói về vũ trụ tuyến, chúng là những lực đến từ các chòm sao trong vũ trụ. Các lực ấy còn được gọi là tính chất những cung. Ở mỗi vị trí trên quĩ đạo của nó quanh mặt trời, địa cầu tiếp nhận một ảnh hưởng khác nhau của các lực. Tính trọn hảo của luật tái sinh được thấy qua việc tháng sinh của con người được ấn định bằng chính cái tháng họ qua đời trước đó. Thí dụ họ qua đời tháng X thì cũng sẽ tái sinh vào tháng ấy, tiếp tục sự học mà linh hồn đã bỏ dở với cùng loại năng lực dưới hình thức các vũ trụ tuyến, và vận cụ mà nó đã có khi lìa đời kiếp trước, tức không có một khoàng trống nào trên con đường tiến hóa.

2. Nhóm của Linh Hồn
Con người tái sinh do ý muốn của linh hồn, nhưng việc hoàn toàn không phải vậy. Linh hồn do tính chấtcủa mình sẽ thuộc một trong bẩy nhóm chính (bẩy cung), và do đó tái sinh bởi các động lực sau:
–  Động lực dựa trên sức sống của nhóm.
– Động lực của linh hồn
Ban đầu ý thức con người chìm vào ý thức nhóm, ý chí nhóm vì vậy ưu thắng, đây là ý thức bầy quan sát rõ ở thú vật, chúng quây quần và sống chung với nhau gần như trong suốt cuộc đời. Linh hồn không tái sinh đơn độc mà tập thể, theo ý của nhóm, đó là căn bản của cộng nghiệp, nghiệp quả quốc gia, nghiệp quả gia đình, dòng họ.
Diễn trình tái sinh có thể tả như sau. Cái khích động từ trung tâm nhóm do Hành tinh Thượng Đế gợi nên, gây ra làn rung động lan khắp nhóm, Nó thúc đẩy có hoạt động trở lại, và lan đi mãi cho tới khi tất cả những đơn vị nào đáp ứng với nhịp rung động ấy được tỉnh thức. Mỗi đơn vị như thế phát ra một âm, khởi sinh rung động của riêng nó và tiến trình tạo thể bắt đầu. Ý muốn tái sinh riêng tư là cái phản ứng với sự thúc đẩy của nhóm, và là kết quả của karma cá nhân như thấy trong mối dây giữa Cheor và Shahballazz, hay Cloris và Serretes, hay Charles và con (VTS).
Kế tiếp, linh hồn càng tiến hóa càng có nhiều tự do lựa chọn khi tái sinh. Động cơ thúc đẩy họ bớt dần tính riêng tư mà nặng về lợi ích chung cho nhóm.

3. Tạo Điều Kiện cho nền Văn Minh
Việc tái sinh theo nhóm nói ở trên cho ra nhiều chuyện đáng tìm hiểu. Đa số linh hồn trở lại vì tuân theo cái giục giã hay ham muốn có kinh nghiệm, và hấp lực cõi trần là yếu tố quyết định sau cùng. Các linh hồn ấy định hướng về sự sống ở cõi vật chất. Ngoài ra có những linh hồn thức tỉnh, biết đôi chút về bản tính thật của mình, tái sinh với ý thức lờ mờ về một thúc giục khác từ trên cao. Họ không định hướng mạnh về cõi trần như đa số, nhưng họ là những đơn vị có thể ảnh hưởng được khi cần dời, hoãn thởi điểm trở lại cõi trần, hầu tạo điều kiện cho sự tiến triển của nền văn minh. Hoặc họ cũng có thể được thúc đẩy trở lại sớm hơn để sự có mặt của họ gây thuận lợi cho điều ấy.
Linh hồn như vậy thực hiện chương trình mà không ý thức vai trò của mình, hay nhấn mạnh nó quá đáng. Tình trạng thế giới xẩy ra tự nhiên chỉ vì ảnh hưởng họ gây ra trong đời qua lối sống, qua việc họ theo đuổi mục tiêu riêng. Những linh hồn ấy tạo điều kiện cho môi trường chung quanh bằng vẻ mỹ lệ, sức mạnh hay ảnh hưởng của đời mình, và thường khi họ không ý thức về ảnh hưởng đã gây ra. Theo cách đó, những thay đổi cần thiết trong nền văn minh con người có thểđược mang lại mau hay chậm tùy theo số linh hồn đang thức tỉnh này. Hiện tượng thế giới đang có phong trào bảo vệ thú vật, môi sinh không phải là chuyện ngẫu nhiên, mà vì có sự tái sinh cùng lúc nhiếu linh hồn thuộc khuynh hướng đó.
Có lời giải thích là vào thế kỷ 18, từ năm 1725 những đấng cao cả quyết định cần ảnh hưởng rõ rệt hơn một nhóm linh hồn đang chờ tái sinh, làm họ trở lại sớm hơn dự tính. Việc ấy đã thành, cho ta thời đại mới với cả chuyện tốt và xấu. Văn chương, nghệ thuật của thời Victoria tại Anh, các phong trào làm thức tỉnh lương tri về những quyền căn bản, phản ứng với tính cách giáo điều của giáo hội Thiên Chúa giáo, khám phá khoa học và sự phát triển lạ lùng của nó, cũng như cuộc cách mạng vô sản và tình dục của thế kỷ 20, đều là kết quả  của việc bị tái sinh sớm của những linh hồn mà ngày giờ trở lại chưa tới; nhưng sự có mặt của họ tạo điều kiện cần thiết nếu muốn tránh một số khó khăn có từ  năm 1825.  Vài kết quả  xấu nêu trên cho thấy cái trở ngại đi kèm với việc phát triển tâm linh trước hạn kỳ.
Những linh hồn này do mức hiểu biết đã phát triển cao độ và do năng lực ý chí thường gây ra họa ở mọi mặt. Dầu vậy, nếu có thể nhìn như các đấng bên trong, và so sánh mức tiến bộ của nhân loại ngày nay với 200 hay 300 năm về trước, ta sẽ thấy ngay nhiều tiến bộ to tát đã được thực hiện, và chứng cớ là sự hiện diện trên thế giới từ 1925 nhóm người lý tưởng giúp đời (New Group of World Servers). Họ sinh được từ lúc ấy vì nhóm người ở trên đã tới, bỏ công sức lập nền tảng dưới sự thúc giục của Thiên Đoàn. ‘Tạo điều kiện’ hay ‘ảnh hưởng’ là phận sự của họ.
Do trình độ, mức phát triển và khả năng ghi nhận tư tưởng và thiên cơ của họ, những linh hồn này có thể tái sinh và khởi đầu ít hay nhiều việc thực hiện thiên cơ, khơi dậy sự đáp ứng trong tâm thức con người. Họ ở vị trí chuẩn bị sự tái hiện của đức Di Lặc (đức Chúa); đôi khi họ càm biết mơ hồ công tác nặng nề ấy nhưng trong đa số trường hợp, không hay biết chút gì về sứ mạng ‘tạo điều kiện’ của mình. Khi ở cõi cao chờ lúc tái sinh theo sự hướng dẫn của Thiên Đoàn, họ ý thức sự thúc giục phải trở lại thế giới giúp đời, nhưng lúc khoác lấy hình hài vật chất, tâm thức chìm sâu vào não bộ, họ không biết mục tiêu mà linh hồn đã nhắm tới mà chỉ cảm nhận sự thôi thúc tạo một sinh hoạt nào đó, và công việc dù vậy vẫn được tiến hành.
Việc linh hồn có thể được thúc đẩy trở lại thấy rõ trong thời kỳ đức Phật giảng đạo. Đã có sự thu xếp cho các đệ tử trở lại cùng lúc với ngài để tận dụng cơ hội thuận lợi, và ta có hiện tượng hàng trăm vị đệ tử đắc quả La Hán trong thời đức Phật. Việc tương tự xẩy ra khi đức Chúa sống ở Palestine và thế giới sẽ chứng kiến cảnh ấy lần nữa khi ngài tái hiện.
Trước hết, nồng cốt của tôn giáo mới là số đông người đang gắng giúp đời. Đây là những ai đã từng quây quần, trợ lực đức Chúa ngày xưa. Bởi cuộc tiến hóa đi theo vòng xoắn ốc, nhữngđiều kiện tương tự sẽ lập lại, nhu cầu như khi xưa nổi lên, và nhiều linh hồn hiện diện lúc này đã từng biết ngài trong những kiếp ở đông phương (một tiền thân của ngài là đức Krishna tại Ấn), những ai đã được ngài dạy dỗ hay chữa bệnh, đã tiếp xúc hay vì một lẽ gì đó có liên hệ nhân quả với ngài hay Chân Sư Jesus, lúc này sẽ có cơ hội hợp tác. Ai thành tâm cảm thấy có mối liên hệ chặt chẽ với đức Chúa, yêu mến ngài, đều có thể tin chắc là họ đã từng thấy, biết, và rất có thể đã từng quí yêu, phụng sự ngài.
Một số nhỏ linh hồn tái sinh do chính ước muốn và ý chí riêng. Họ làm việc với sự hiểu biết rõ ràng, và một lòng một dạ làm tròn chuyện của mình. Đó là các yếu nhân trong bất cứ thời đại nào, là yếu tố quyết định về mặt tâm lý trong mọi giai đoạn lịch sử. Họ nhận vào người sự thương và ghét của thế giới, hành xử như là kẻ Phá Hoại trật tự cũ, hay kẻ Xây Dựng  mang lại tự do cho mọi người (vai trò của Gorbachev tại Nga có thể gợi ý đó).
Linh hồn tiến xa có thể chọn một kiếp để làm việc chuyên về một nguyên lý, trong trường hợp ấy kiếp sống dưới trần mang nặng ý nghĩa của việc thể hiện một đặc tính, thí dụ rõ nhất là nữ tu Teresa và công tác nhân ái tại Ấn hậu bán thế kỷ 20. Có vẻ như linh hồn cố tình hoạt động theo đường lối rõ rệt để làm vang lên một nốt duy nhất, trong trẻo. Con người có đam mê cao độ gần như là cuồng tín, mang lại được nhiều điều cho đồng loại, dù bộ óc xác thịt có thể không ý thức sự thúc giục của Chân nhân.
Lại nữa, con người sẽ đi từ mục đích nhỏ sang mục đích lớn, nhiều  kiếp được dành để tạo khả năng về một mặt, thí dụ tài chính; mục tiêu kế là óc sáng tạo và mấy kiếp theo sau sẽ chuyên về nghệ thuật.

II. Thời Gian giữa Hai Kiếp Sống
Ta không thể đưa ra một khoảng thời gian phỏng chừng giữa hai kiếp sống, và sách vở nào ghi điều ấy thì không đáng tin vì nhiều lý do.

Như trên đã nói, mỗi linh hồn thuộc về một cung, và tái sinh tùy theo việc cung ấy đang ở thời  kỳ biểu lộ hay không ở cõi trần. Mỗi cung có chu kỳ dài ngắn khác nhau, có cung theo chu kỳ 2.500 năm còn cung khác không giống vậy. Sự khác biệt này gây ảnh hưởng to lớn lên chu kỳ của Chân nhân, và ấn định khoảng thời gian giữa hai kiếp sống. Những chi tiết này dựa trên việc dùng thông nhãn quan sát ở cõi tình

cảm, đưa ra nhận định sai lạc mà thí dụ rõ nhất là con số nêu lên về thời gian giữa hai kiếp sống. Sách ghi rằng linh hồn càng tiến hóa chừng nào, thời gian vắng mặt ở cõi trần càng dài chừng ấy, nhưng thực tế ngược lại. Linh hồn đã hiểu biết, ai mà khả năng tinh thần đang phát triển nhanh thì trở lại mau chóng, bởi họ nhậy cảm với sự thôi thúc của những ràng buộc, trách nhiệm cùng những dự tính đã đặt nền móng ở cõi trần.
Điều ta hay quên là thời gian là hệ quả của việc não bộ ghi nhận sự kiện và trạng thái tâm thức. Khi não bộ mất đi, ý nhiệm về thời gian không còn nữa. Việc mất dần đi những hàng rào do hình thể dựng nên (là các thể xác, tình cảm và trí) sau khi chết làm tăng thêm ý thức về Hiện Tại Vĩnh Cửu. Trong trường hợp người đã qua đời mà vẫn còn ý niệm về thời gian, ấy là do ảo tưởng và sự kéo dài của hình tư tưởng mạnh mẽ (xin đọc phụ lục Đời Sống Bên Kia của bài Cửa Vào Đời Sống Mới - tìm trong Danh Mục). Nó cho thấy tâm thức trụ ở cõi tình cảm, và đó cũng là cõi mà tác giả các sách trên quan sát, dùng đó làm căn bản cho nhận định của mình. Họ tả chuyện họ thấy mà quên đi bản chất ảo của mọi việc quan sát ở đó. Việc cho yếu tố thời gian tầm quan trọng đáng kể và không ngừng nhấn mạnh vào khía cạnh ngày giờ, là đặc tính của những ai đã phát triển, hay có trí cụ thể mạnh mẽ. Trẻ con và giống dân sơ khai cùng những ai tiến xa thường không có ý niệm về  thời gian. Vị đạo gia initiate lưu tâm đến yếu tố thời gian trong việc làm và mối liên hệ của mình nơi cõi trần, nhưng ở cõi khác họ hoàn toàn tách khỏi ý đó.
Vì vậy con người tái sinh không do cái thúc giục của thời giờ. Họ trở lại do đòi hỏi của liên hệ nhân quả, chịu sự lôi kéo mà họ - với tư cách là linh hồn - đã khởi sự và cảm thấy phải hoàn thành những gì đã gây ra; họ cũng trở lại cõi trần do ý thức trách nhiệm và để sửa lại việc đã vi phạm luật khi xưa.
Chuyện buông thả tình dục hiện nay sinh ra vấn đề là nó khiến một số lớn linh hồn tái sinh quá lẹ, trong khi họ chưa sẵn sàng để nhận kinh nghiệm kiếp này, thường khi đó là linh hồn còn trẻ bị cõi vật chất và đam mê nhục dục thu hút mạnh. Linh hồn chưa tiến hóa trở lại mau chóng hơn, còn linh hồn già dặn cần thời gian lâu hơn giữa hai kiếp sống để tiêu hóa kinh nghiệm. Dầu vậy người sau dễ dàng đón nhận từ lực thu hút của ai đang sống ở cõi trần, và họ là những linh hồn có thể được mang đi tái sinh sớm hơn dự trù. Công việc tiến hành theo đúng luật, nhưng linh hồn chưa tiến hóa đi theo luật của nhóm giống như loài vật, trong khi người tiến bộ hơn cảm nhận sức hấp dẫn của ai còn sống, và ai tiến xa hơn nữa tái sinh theo luật Phụng Sự, cố tình trở lại theo sự chọn lựa củalinh hồn.

Nhận Xét
Trong đời sống lứa đôi, khả năng truyền giống là một trong những tính chất thiêng liêng nhất của con người. Khi làm công việc ấy, ta đã lập lại trên mức nhỏ bé sự sáng tạo vũ trụ. Sự hòa hợp của người nam và người nữ là phản ảnh ở cõi trần sự hòa hợp của ngôi thứ nhất, và ngôi thứ ba của Thượng Đế. Đó là hành vi cực thánh khi được thực hiện với mục tiêu trong sạch và tình thương lẫn nhau giữa người nam và người nữ, biểu tượng cho hai nửa của Thượng Đế.
Cái lý tưởng nên đạt là hòa hợp ở trọn những cảnh giới mà con người sinh hoạt; theo đường tiến hóa cảnh giới hòa hợp càng lúc càng nâng cao. Với người sơ khai nó phần lớn thuộc cõi vật chất và tình cảm. Nơi người văn mình có thêm cõi trí, còn người đã phát triển bắt đầu có trực giác, cần nhắm tới và ráng thực hiện nó ở cõi tinh thần cũng như ở những cõi thấp hơn. Trong cái hòa hợp lý tưởng như vậy, những thành phần của cả hai người (xác, tình cảm, trí, trựcgiác v.v.) rung động theo nhịp giống nhau và tan lẫn vào nhau.
Theo luật, khi hai vật có cực đối nhau được phối hợp thì năng lực trên cao tràn xuống. Khối lượng và tính chất của năng lực ấy tùy thuộc vào mức độ tâm thức có, khi đạt được sự hòa hợp. Ở con người năng lực tuôn xuống ấy cho tâm thức mở rộng; muốn sự việc có thể mang lại thuận lợi tối đa, tâm thức cần được hướng về cõi tinh thần thay vì cõi vật chất. Khi ấy năng lực cao nhất sẽ được giải tỏa, tâm thức được mở rộng hơn hết, mang lại điều kiện tốt lành nhất cho việc tạo hình các thể cho linh hồn muốn tái sinh. Điều này không dễ làm ở trình độ hiện này, nhưng cần đưa ra như là một đích để lưu ý con người trong hành động sáng tạo.
Nếu chấp nhận, nó làm ta suy nghĩ thêm về trách nhiệm khi sử dụng hay lạm dụng năng lực tạo hình. Trong thiên nhiên chỉ riêng con người là có ý thức và biết định hướng khi sáng tạo hình hài. Sự lạm dụng những lực to tát trong việc tạo hình vì không biết đến ý nghĩa tinh thần, đã gây ra kết quả nghiêm trọng cho cá nhân lẫn nòi giống. Khả năng bị hư tổn và nét tinh tế của mọi năng khiếu con người bị cùn nhụt. Óc sắc bén, chính xác, sâu sắc và  tài năng sẽ dần dần bị thay thế bằng trí tuệ tầm thường, và lười biếng suy nghĩ.
Ai quen lạm dụng khả năng tạo hình của mình, sinh ra những thể không thích hợp cho tinh thần thiêng liêng ngự vào. Còn có những hậu quả nghiêm trọng khác tới nỗi điều quan trọng bậc nhất cho sự tiến hóa của cá nhân và nòi giống, cho sự xây dựng nền văn minh mới, là lý tưởng về tình dục trong sạch phải được chấp nhận, và ứng dụng bởi những ai tha thiết với con người, và nâng tâm thức của những ai biết tự chế, biết thể hiện tình thương yêu bằng cách trong sạch hơn hết. Hòa hợp để thỏa mãn thú tính làm hoen ố lý tưởng về nét khiết bạch thanh cao của nữ phái, và không cho ra kết quả gì hơn là hạ thấp cả thể chất lẫn tinh thần.
Nghiên cứu thêm về chuyện tái sinh cho ta vài khám phá lý thù. Tác giả Cyril Scott ghi rằng:
● Sẩy thai
Nhiếu khi không do duyên cớ gì về mặt y khoa, nhưng linh hồn vào phút chót có thể bỏ không muốn tái sinh vì một số lý do; có trường hợp cha mẹ sinh bất hòa sâu đậm và linh hồn sắp vào gia đình ấy đã … lạnh cẳng, không muốn lớn lên trong hoàn cảnh bất lợi. Linh hồn tiến hóa có nhiều tự do chọn lựa về mặt cha mẹ, ngày giờ sinh. Thông thường, cha mẹ được chọn vì có mối dây trong quá khứ, hay vì linh hồn muốn được nhận một số tính chất mà chỉ bố mẹ đó mới có.
● Hiếm muộn
Có cặp vợ chồng không thể có con trong một thời gian dài, rồi sau đó tự nhiên người vợ thụ thai được. Chuyện không do các điều kiện sinh lý, mà vì không linh hồn nào muốn tái sinh vào gia đình trên lúc bấy giờ.
● Tìm cha mẹ
Có một linh hồn trong kiếp vừa xong là nhà thông thái Hy Lạp, nay gặp khó khăn trong việc tìm cha mẹ thích hợp, bởi người bạn muốn tái sinh vào một gia đình chính trị để hoạt động theo đường hướng ấy sau này. Họ nhờ tác giả vì nghĩ ông có hiểu biết về huyền bí học và có thể giúp. Sau vài tháng gặp gỡ như vậy ở cõi thanh, Cyril Scott không thể giúp bởi không quen biết nhiều giới chính trị, nhưng ông thấy nhẹ nhõm khi linh hồn cho hay đã kiếm ra bố mẹ vừa ý !
● Giai đoạn tạo hình
Với thể sinh lực là cái khuôn cho thể xác, có linh hồn tiến hóa mà chưa đủ hiểu biết để tạo thể sinh lực tốt đẹp, chưa biết sử dụng, uốn nắn chất ether một cách thành thạo, đã nắn ra một thể xác yếu, về sau ngăn trở đáng kể trong sinh hoạt hằng ngày và đời sống dưới trần. Có linh hồn khởi sự tạo thể rồi nhận ra là mình không làm được đã bỏ dở nửa chừng, khiến sẩy thai. Cũng có khi linh hồn trong nhiều kiếp trước là nam nhân, sẽ thấy khó khăn trongviệc tạo thể xác nữ kỳ tái sinh này, và ngược lại, do đặc tính âm dương khác nhau. Kết quả là ta có người nữ với nét mặt và tâm tình nhiều nam tính.
Lại nữa, không phải chỉ cóngười mẹ mới ốm nghén, mà nhiều khi người chồng cũng bị ảnh hưởng ‘thai hành’ trong lúc vợ mang thai. Lý do là khi tạo thể sinh lực, linh hồn rút chất liệu có đặc tính cần thiết từ môi trường bên ngoài, nếu thể sinh lực người cha có vật chất ấy linh hồn sẽ ‘trưng dụng’ chúng, làm cho ai không khỏe mạnh sẵn hay không có dự trữ sinh lực dồi dào, sẽ cảm thấy kiệt sức. Cũng theo phương cách này mà tính chất của cha được truyền qua thai nhi, mà khôngphải nằm sẵn trong tinh trùng như ta thường nghĩ.
● Thần đồng và thiên tài
Một số vĩ nhân thành đạt trễ trong đời hay không có gì xuất sắc lúc nhỏ mà ngược lại, thí dụ cả Thomas Edison và Winston Churchill bị đuổi học vì phá quá, không chịu học ! Linh hồn nhiều khi chờ thể xác trưởng thành mới biểu lộ, hầu cho não bộ đáp ứng phần nào với ý nguyện và khả năng của nó; chuyện tương tự như ai đã xây ngôi nhà nhưng chưa dọn vào ngay, anh còn chờ phòng ốc được trang hoàng đầy đủ, bàn ghế đâu vào đó, vườn trổ hoa đẹp đẽ mới tới ngụ; trong trường hợp ấy, thể xác lúc thiếu niên giống như cái nhà chưa ở. Mặt khác, linh hồn có thể sử dụng thể xác ngay khi còn nhỏ nhưng chỉ về một mặt, cá nhân hóa xuất sắc ở mặt ấy còn thì tầm thường ở mặt khác. Chi khi phàm nhân cósinh hoạt mặt đã nói linh hồn mới chú ý, làm chủ con người hoàn toàn, thí dụ trong lúc vẽ hay chơi nhạc, rồi sau phút đó nó lại rút lui.
Có lẽ cũng nên nói đôi chút về hai chuyện đang là đề tài tranh luận của xã hội. Ngừa thai và phá thai là quyết định hết sức riêng tư, bởi con ngườicó tự do ý chí, mỗi người sẽ phải tự chọn con đường cho mình, ta chỉ trình bầy vài hiểu biết dể ai phải lựa chọn có thêm dữ kiện.
Trước hết, với ý ghi trong vài sách là linh hồn những thai nhi mất dịp ra đời đã vẩn vơ quanh người mẹ, khóc than quyết định ấy của bà, ta tin được mấy phần ? Linh hồn có sự tiến hóa riêng phải theo trên cõi của nó, so với phàm nhân nó toàn tri, toàn thiện, toàn năng, linh hồn sẽ không bỏ thì giờ nuối tiếc cơ hội đã mất, và không phí công làm việc vô ích như vậy. Ý trên chỉ có bởi con người quá đặt nặng vào mặt hình thể, coi nó quan trọng vượt mức so với sự sống bên trong; ngược lại, chọn lựa một thân xác mới là việc khá dễ dàng đối với linh hồn, thế nên theo bà Blavatsky, khi mất cơ hội tái sinh do phá thai hay khi chết yếu, linh hồn thai nhi hay trẻ thường trở lại tức thì, có nghĩa nó tìm ngay dịp khác để đầu thai. Lý do là trẻ chưa tạo điều gì để có thể được vào cõi Devachan, không có gì giữ chúng ở cõi cao nên chúng tái sinh ngay.
Linh hồn sống trong vĩnh cửu nên an nhiên đi theo đường đã vạch với đầy lòng kiên nhẫn, sau lưng nó là quá khứ vô thỉ, trước mặt là tương lai vô chung, thời gian đối với nó khác quan niệm của người còn dưới trần; khi tả như trên con người cùng trí phàm của mình để nhìn sự việc cõi cao và do vậy hay mắc sai lầm. Tư tưởng đó hàm ý trách móc, giận hờn, có pha chút lòng thù ghét, những tình cảmhoàn toàn không phải là đặc tính của linh hồn, bởi ta cần nhắc lại, linh hồn thiêng liêng đồng bản chất với Thượng Đế nên tràn đầy nét minh triết và từ ái. Mức rung động thanh cao của nókhông thể nào cùng nhịp với sự thấp kém của tình cảm trên.
Mặt khác, điều mà tác giả viết cũng không phải là hình tư tưởng của thai nhi, bởi nó chưa ra đời, hai thể tình cảm và thể trí chưa được sử dụng nên chưa tạo hình tư tưởng. Thường khi cái người ta thấy ở cõi thanh là điều họ quen nghĩ, nói rõ hơn là ý niệm hằng ngày của họ về việc gì mà không phải là chính việc ấy. Nếu ta tin có Chúa có Phật ở đó thì ta sẽ gặp các ngài, nhưng cái ta gặp là hình tư tưởng dân gian tạo ra về hai ngài qua bao ngàn năm, mà không phải là chính các đấng cao cả. Địa ngục với lửa đỏ, quỉ sứ, vạc dầu cũng chỉ là sản phẩm của óc tưởng tượng phong phú của con người tuy có căn bản thật. Căn bản đó là sự bất hòa mà chúng ta đã gây ra với môi trường chung quanh do hành vi của mình, và như vậy hình ảnh nạn nhân khóc lóc dòi mạng mà Pharaoh thấy ở thạch động chương Ai Cập (chuyện VTS), là hình tư tưởng do nạn nhân của Cheor tạo nên, mà cũng có thể là biểu tượng -được nhân cách hóa - cho sự lỗi nhịp gây ra khi Cheor vi phạm luật trời. Trở lại việc phá thai, bởi ta khôngcó đủ hiểu biết để nói chắc nên khoan đi sâu là điều hay, và lại càng không nên lên án.
Nhưng nói như vậy không có nghĩa ta coi nhẹ việc phá thai. Sự việc gây hậu quả bất lợi cho sức khỏe người mẹ lúc sống, và kéo dài thời gian bà phải ngụ ở cõi tình cảm khi qua đời, lại còn gây thêm nhân quả về sau. Cũng vì có tự do ý chí, con người có trách nhiệm về hành vi của mình và phải cân nhắc kỹ trước khi có quyết định hệ trọng như vậy. Trong đa số trường hợp, chọn lựa này thường gây não lòng cho người liên hệ, nên cần được nhìn với tình thương bao dung thay cho óc phán xét khe khắt. Mặt khác như đã nói, tùy theo cách đối xử với thể xác hiện giờ mà ta ấn định tính chất của thể xác kiếp sau, và nó áp dụng cho cả việc phá thai lẫn dùng thuốc ngừa thai.
Thuốc ngừa thai là phát minh làm thay đổi cái nhìn của con người về nhiều mặt, nó cho cơ hội sống có trách nhiệm lẫn vô trách nhiệm. Kế hoạch hóa gia đình là chuyện tốt đẹp nhờ thuốc, mà lạm dụng tình dục cũng lan tràn vì có thuốc. Nhìn về mặt tâm linh thuốc không được coi như là phương tiện tối hảo cho việc giới hạn số con, bởi mọi thành quả muốn được chân thật, chắc chắn, lâu dài, phải phát sinh tự tâm con người, từ chính trong lòng và uốn nắn ngoại cảnh, mà không ngược lại là áp đặt một điều kiện từ ngoài vào sự sống bên trong. Nói khác đi, thuốc ngừa thai là bước trung gian và con người nên nhắm đến mục đích sau cùng là kỷ luật bản thân, phát triển lòng tự chế, thăng hoa những ước muốn để biểu lộ con người thiêng liêng. Nó sử dụng tình dục như là phương tiện truyền giống, làm chủ bản năng ấy thay vì bị ham muốn sai khiến như hiện nay.
Tái sinh liên quan đến việc tạo các thể mới, nên mời bạn đọc bài Việc Sinh Sản Nhiệm Mầu về đề tài này, tìm trong Danh Mục trên trang web PST.
Tham khảo:
The Key to Theosophy, H.P.Blavatsky
–  The Miracle of Birth, Geoffrey Hodson
A Treatise on White Magic, A.A. Bailey
The Externalisation of the Hierachy, A. A. Bailey
Discipleship in the New Age, vol I, A.A. Bailey
A Treatise on Cosmic Fire, A.A. Bailey
Esoteric Healing, A.A. Bailey

Geese